Ông Duẩn nhấn mạnh: trong thời điểm thị trường tiếp tục đi xuống như thế này, điều mà các nhà đầu tư quan tâm lớn nhất hiện nay và đặt ra câu hỏi là: xu hướng sắp tới của thị trường ra sao? chiến lược đầu tư tốt nhất trong khi thị trường đi xuống, hay đã đến thời điểm đầu tư dài hạn hoặc là diễn biến của thị trường trong tuần tới sẽ như thế nào?; ... 


Một phương pháp mà nhà đầu tư chuyên nghiệp và muốn đầu tư lâu dài có lãi trên thị trường chứng khoán hay sử dụng là phân tích kỹ thuật. Vậy phân tích kỹ thuật là gì? Thông qua số liệu giao dịch sau ngày: giá mở cửa, cao nhất, thấp nhất, đóng cửa và khối lượng giao dịch để phân tích đặc điểm thị trường hiện tại và đưa ra các kịch bản cho thị trường sắp tới, sau đó lựa chọn thời điểm tốt nhất để giao dịch. Phân tích kỹ thuật sẽ là công cụ giúp các nhà đầu tư phát hiện ra xu hướng (thời điểm đảo chiều, mức độ mạnh yếu của xu hướng, thời điểm tốt để giao dịch) và tâm lý thị trường (đã thay đổi chưa, chính tâm lý nhà đầu tư phải thích ứng với sự thay đổi đó, các bẫy tâm lý nhà đầu tư thường mắc phải). Thực tế, hai yếu tố này rất quan trọng trong đầu tư chứng khoán.  


Có thể thấy trong tuần qua, thị trường giao dịch với khối lượng thấp dần (khối lượng công ty niêm yết nhiều hơn và khối lượng giao dịch toàn thị trường thấp đi). Điều này dễ ảnh hưởng tới giá nếu giao dịch nhiều. Lệnh chặn mua, chặn bán tại 1 mức giá với khối lượng giao dịch lớn sẽ có ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư (người bán sẽ có thêm hi vọng khi cắt lỗ, người mua sẽ có thêm động lực bắt đáy). Các mã cổ phiếu tăng mạnh chủ yếu là do cổ tức cao, tuy nhiên càng về cuối tuần sức hấp dẫn càng giảm. 


Tuần này, thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động của các yếu tố sau: thuế chuyển nhượng chứng khoán; mức độ ảnh hưởng thị trường thế giới; nhà đầu tư nước ngoài bán ròng; các doanh nghiệp niêm yết thêm, chia cổ tức, lên sàn; quy định tăng vốn trên 1000 tỷ đối với các ngân hàng; các công ty mua cổ phiếu quỹ (STB); lãi suất ngân hàng giảm, biên độ USD/VND nới rộng. 


Chính những tác động đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần này. Ông Duẩn đưa ra những nhận định về thị trường trong xu thế dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.  



Theo ông Duẩn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong xu hướng đi xuống dài hạn. Đường MACD cho thấy thêm một chặng xuống nữa lại bắt đầu,  MA50 cho thấy xu hướng xuống vẫn mạnh và quá trình hồi phục có thể còn dài. Mức hỗ trợ và kháng cự được đưa ra là gần - nhẹ: 290-300; mạnh:200-250; gần-mạnh: 366-400; rất mạnh: 500. Và khẳng định, đây chưa phải là thời điểm tốt nhất để đầu tư dài hạn. 

 


Đồ thị thị trường trong xu hướng dài hạn

 


Về xu hướng trung hạn, sự hồi phục trong 2 tuần trước chỉ là sự chững lại tạm thời và hai tuần giảm liên tiếp cho thấy xu hướng xuống vẫn tiếp diễn. Theo đó, mức hỗ trợ và kháng cự sẽ xảy ra là: gần - nhẹ: 290-300; gần-mạnh: 366-400. Khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm trong tuần này và mức giảm có thể về đến mức 290-300 điểm. 

 



Đồ thị thị trường trong xu hướng trung hạn

 


Trong ngắn hạn, mức kháng cự sẽ là 330-340 - mức khá mạnh sau khi thị trường rơi; mức hỗ trợ 315 có thể đã phát huy tác dụng khi tạo ra dao động trong phiên cuối tuần trước. “Mức tiếp theo sẽ vào khoảng 290-300, tuy nhiên nên nhớ là khi quay lên thị trường sẽ gặp phải kháng cự 315-330” – ông nhấn mạnh. 

 



Đồ thị thị trường trong xu hướng ngắn hạn

“Theo tôi, với diễn biến hiện tại thì có thể thị trường sẽ trượt thêm 2-4 phiên nữa mới có phục  hồi và xu hướng đi xuống vẫn chiếm chủ đạo. Vì thế, nhà đầu tư không nên tham gia vào lúc này. Tạm thời tốt nhất chúng ta nên đầu tư với số lượng vừa phải theo chiến thuật T+<4; chú ý đến tính thanh khoản ở một số mã cổ phiếu. Các CP nào kém và không có ý định làm giá thì không nên tham gia nhiều khi thị trường rơi.” – ông Duẩn khẳng định. “Chiến lược đầu tư cho các nhà đầu tư lúc này là: chỉ nên áp dụng chiến thuật T+1,2,3,4 cho giao dịch mua vào trong thị trường xuống. Và nên chọn các cổ phiếu có tính thanh khoản cao” – ông nói thêm.  



Theo DDDN